Nhật Bản - Miễn phí xuất cảnh

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH THỰC TẬP LÀM VIỆC MIỄN PHÍ

Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản được thực hiện từ năm 2006 theo Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan). Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao thực hiện Chương trình.

Người lao động trúng tuyển sẽ tham gia các khóa đào tạo tại Cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước trong thời gian từ 4 đến 8 tháng phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của các công ty tiếp nhận. Nếu trúng tuyển, người lao động sẽ phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc quy chế đào tạo trước phái cử đã được thống nhất giữa Trung tâm Lao động ngoài nước và IM Japan.

Người lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản gọi là thực tập sinh, được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian 03 năm; được hưởng mức lương cơ bản theo hợp đồng trong khoảng từ 125,000 Yên ~ 150,000 Yên/tháng; sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ 600.000 yên/người (tương đương khoảng 120.000.000 triệu đồng tiền Việt Nam) để khởi nghiệp. Sau 3 năm, các thực tập sinh có thể tích lũy mang về Việt Nam số tiền khoảng 500 triệu ~ 600 triệu đồng.

Chi phí người lao động phải nộp và các khoản được hỗ trợ khi tham gia Chương trình

- Người lao động nếu trúng tuyển được tham gia Chương trình chỉ phải nộp các khoản chi phí sau đây:

+ Chi phí làm Hộ chiếu, visa và khám sức khỏe

+ Học phí khóa đào tạo dự bị trong 3 tháng đầu;

+ Chi phí ăn, ở trong thời gian tham dự các khóa đào tạo tại Việt Nam.

Ngoài các khoản chi phí nêu trên, người lao động khi tham gia Chương trình này không phải nộp bất kỳ khoản chi phí nào khác.

- Người lao động được miễn các khoản chi phí (do Tổ chức IM Japan đài thọ) gồm:

+ Chi phí vé máy bay;

+ Học phí khóa đào tạo chính thức trong thời gian 04 tháng;

+ Chi phí đào tạo tay nghề, chi phí ôn tập trong 01 tháng trước xuất cảnh.

- Chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng ưu tiên:

Người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-Ttg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, được hỗ trợ các chi phí nêu trên theo mức quy định tại Quyết định này; người lao động thuộc huyện nghèo nhưng không phải là đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo.

ĐIỀU KIỆN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH

• Tiêu chuẩn.

- Tuổi từ 20 đến 30;

- Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên;

- Chiều cao: trên 1m60 đối với nam và trên 1m50 đối với nữ, cân nặng phù hợp với chiều cao;

- Không xăm mình, không bị tật nguyền, không có dị tật, không có sẹo; không bị cận thị, nhược thị, rối loạn sắc giác;

- Có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe;

- Có đạo đức, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án;

- Có Hộ khẩu thường trú và sinh sống tại địa phương được Bộ LĐTB&XH phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn ứng viên.

- Chưa từng tham gia các chương trình đào tạo thực tập sinh của Nhật Bản, có ý chí quyết tâm cao, không bị ràng buộc bởi điều kiện gia đình để tránh trường hợp dừng tham gia chương trình giữa chừng.

•Đối tượng đăng ký tham gia chương trình

- Người lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương được Bộ LĐTB&XH phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.

- Sinh viên học nghề hệ dài hạn, ngành học phù hợp với các nghề cần tuyển chọn, đã hoàn thành cơ bản chương trình đào tạo nghề tại các trường đào tạo nghề được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn thực tập sinh.

· Hồ sơ đăng ký dự tuyển

- Hồ sơ đăng ký dự tuyển được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

- Người lao động tự tải hồ sơ và hoàn thiện theo hướng dẫn và gửi về Trung tâm Lao động ngoài nước bằng hình thức gửi bảo đảm chuyển phát nhanh qua đường bưu điện (Địa chỉ: Số 1, Trịnh Hoài Đức, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) theo thời gian quy định.

· Kiểm tra hồ sơ và thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ

Sau khi nhận được hồ sơ của người lao động đăng ký dự tuyển qua đường bưu điện, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ kiểm tra hồ sơ và thông báo danh sách người lao động đã nộp hồ sơ, kết quả kiểm tra hồ sơ bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh/ thành phố nơi người lao động sinh sống; đồng thời công khai thông tin này trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

· Nội dung, thời gian và địa điểm tổ chức thi tuyển

Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ phối hợp với Văn phòng Tổ chức IM Japan tại Việt Nam tổ chức thi tuyển đối với những người lao động có kết quả kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu. Cụ thể:

- Nội dung thi tuyển: toán, thể lực (chạy 3.000m, chống đẩy 35 lần, gập cơ bụng 25 lần) và phỏng vấn.

- Thời gian và địa điểm tổ chức thi tuyển: Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo trực tiếp cho người lao động bằng văn bản và tin nhắn về thời gian và địa điểm tổ chức thi tuyển, đồng thời đăng tải thông tin trên website của Trung tâm Lao động ngoài nước.

- Điểm ưu tiên trong thi tuyển: những người lao động thuộc đối tượng sau đây,

nếu có kết quả môn thi toán đạt từ 30 điểm trở lên sẽ được ưu tiên cộng điểm vào kết quả bài thi toán (những người thi môn toán đạt kết quả dưới 30 điểm không được cộng điểm ưu tiên). Cụ thể như sau:

+ Người lao động là con thương binh, liệt sỹ, người có công: 20 điểm

+ Người lao động thuộc các huyện nghèo và dân tộc thiểu số theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020: 20 điểm

+ Người lao động thuộc các huyện nghèo và dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi: 15 điểm

+ Người lao động thuộc các huyện nghèo và dân tộc thiểu số của các tỉnh không phải là tỉnh miền núi hoặc người lao động thuộc các tỉnh miền núi không thuộc đối tượng huyện nghèo hoặc dân tộc thiểu số: 10 điểm

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ


• Quyền lợi:

- Người lao động đủ điều kiện tham gia chương trình này gọi là thực tập sinh, được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian 3 năm hoặc 1 năm; được hưởng trợ cấp 80.000 yên/tháng trong thời gian tu nghiệp (01 tháng đầu) và hưởng lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận trong thời gian thực tập kỹ thuật với mức lương tối thiểu trong năm thứ nhất và thứ hai là 90.000 yên/ tháng, năm thứ ba là 100.000 yên/ tháng; được bảo hiểm trong thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật.

Trường hợp thực tập sinh phải về nước trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng thực tập kỹ thuật vì lý do công ty tiếp nhận không có việc làm, phá sản và tổ chức IM Japan không thể tìm được công ty tiếp nhận khác thì cứ mỗi tháng còn lại của hợp đồng thực tập kỹ thuật, thực tập sinh sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ là: 48.000 yên/tháng x số tháng còn lại của năm đầu tiên; trong năm thứ 2 (từ tháng 13 đến tháng 24): 54.000 yên/tháng x số tháng còn lại; trong năm thứ 3 (từ tháng 25 đến tháng 36): 60.000 yên/ tháng x số tháng còn lại.

- Sau khi hoàn thành chương trình thực tập kỹ thuật, về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ một khoản tiền để tái hòa nhập và phát triển sự nghiệp, cụ thể:

+ 600.000 yên, đối với thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật theo hợp đồng 3 năm.

+ 200.000 yên, đối với thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật theo hợp đồng 1 năm.

• Nghĩa vụ:

- Thực tập sinh phải chấp hành các quy định của pháp luật Nhật Bản và Quy tắc thực tập kỹ thuật.

- Tuân thủ đúng hợp đồng thực tập kỹ thuật đã ký kết với công ty tiếp nhận Nhật Bản.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐI THỰC TẬP KỸ THUẬT VÀ LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN


I. LƯU TRÚ TẠI NHẬT BẢN

Thực tập sinh được phép lưu trú tại Nhật Bản theo thời gian và tư cách lưu trú đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản ghi trong Giấy tư cách lưu trú.

Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, thực tập sinh được cấp phép lưu trú trong thời gian 6 tháng hoặc 1 năm. Trường hợp kéo dài thời gian lưu trú hoặc tiếp tục thời gian thực tập kỹ thuật sẽ phải xin gia hạn thời gian lưu trú. Nếu không tiến hành việc gia hạn thời gian lưu trú bị coi là “lưu trú bất hợp pháp” và bị cưỡng chế trục xuất khỏi Nhật Bản.

Khi muốn xin gia hạn thời gian lưu trú, thực tập sinh phải đăng ký và được sự đồng ý của Cục quản lý nhập cảnh địa phương.

II. CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM

1. Tiền lương:

Thực tập sinh thực tập kỹ thuật tại công ty tiếp nhận Nhật Bản được hưởng tiền lương theo hợp đồng, mức tiền lương trong hợp đồng không thấp hơn mức lương tối thiểu đã được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quy định. Tiền lương sẽ được công ty chuyển hàng tháng vào tài khoản của thực tập sinh.

Thực tập sinh khi được công ty yêu cầu làm thêm giờ sẽ được hưởng tiền lương làm thêm giờ. Tiền lương mỗi giờ làm thêm trong trường hợp công ty yêu cầu thực tập sinh phải làm thêm giờ ngoài thời gian quy định của luật và làm việc vào ngày nghỉ như sau:

+ Tiền lương giờ làm thêm trong trường hợp làm thêm ngoài giờ quy định và trong thời giờ luật định: bằng 1,0 lần so với tiền lương giờ theo hợp đồng;

+ Tiền lương giờ làm thêm trong trường hợp làm thêm ngoài giờ luật định: bằng 1,25 lần so với tiền lương giờ theo hợp đồng;

+ Tiền lương giờ làm thêm trong trường hợp làm thêm vào ngày nghỉ theo luật định: bằng 1,35 lần so với tiền lương giờ theo hợp đồng;

+ Tiền lương giờ làm thêm trong trường hợp làm thêm vào ban đêm (từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau): bằng 1,25 lần so với tiền lương giờ theo hợp đồng.

Thực tập sinh khi làm việc tại Nhật Bản sẽ phải đóng thuế và các loại bảo hiểm. Thực tập sinh sẽ bị khấu trừ từ tiền lương để đóng thuế và bảo hiểm. Ngoài ra, trong hợp đồng với công ty tiếp nhận Nhật Bản có yêu cầu thực tập sinh tự chi trả các loại tiền như: nhà ở, tiền điện, gas... thì cũng sẽ khấu trừ từ tiền lương của thực tập sinh.

2. Chế độ bảo hiểm

Khi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, thực tập sinh phải tham gia bảo hiểm và nộp thuế. Tuy nhiên, mức phí đóng bảo hiểm, thuế của từng vùng khác nhau căn cứ theo thu nhập, mức sống của từng địa phương và quy định của Hiệp hội bảo hiểm, Liên hiệp bảo hiểm.

- Bảo hiểm tai nạn lao động: Là loại bảo hiểm để bồi thường cho người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động. Trong trường hợp thực tập sinh bị tai nạn khi làm việc, bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, bị mắc bệnh nghề nghiệp... sẽ được chi trả tiền bảo hiểm như chi phí điều trị, phí đền bù nghỉ việc (một phần tiền lương của những ngày không thể làm việc).

Ngoài ra, khi tham gia loại bảo hiểm này, thực tập sinh sẽ được hưởng trợ cấp trong các trường hợp sau: Bị thương tích, bệnh tật: hưởng trợ cấp nghỉ an dưỡng, trợ cấp nghỉ việc khi không thể tiếp tục làm việc, trợ cấp lương hưu, bồi thường thương tật, trợ cấp cho người chăm sóc; Bị tàn tật: hưởng trợ cấp tàn tật; Bị tử vong: hưởng trợ cấp tử vong, chi phí tang lễ.

- Bảo hiểm công cộng Bảo hiểm công cộng bao gồm: bảo hiểm tuyển dụng và bảo hiểm sức khỏe

Bảo hiểm tuyển dụng: Là loại bảo hiểm được chi trả trong trường hợp thất nghiệp. Số tiền bảo hiểm được hưởng khác nhau tùy thuộc vào số tiền lương được nhận trước khi thất nghiệp và số năm làm việc liên tục cũng như tuổi của người lao động. Trường hợp làm việc liên tục dưới 5 năm sẽ được nhận trợ cấp với mức tổng tiền lương của 90 ngày. Mức tiền đóng bảo hiểm khác nhau tùy ngành nghề công việc và thay đổi theo năm.

Bảo hiểm sức khỏe: Thực tập sinh phải tham gia 2 loại bảo hiểm về sức khỏe là: bảo hiểm y tế và bảo hiểm thực tập sinh; bảo hiểm thực tập sinh do công ty tiếp nhận Nhật Bản đóng. Bảo hiểm này sẽ chi trả những chi phí điều trị khi thực tập sinh bị ốm đau, bệnh tật, thương tật,... không phải do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông gây ra (những trường hợp thương tật, bệnh tật do tai nạn giao thông, tai nạn lao động gây ra sẽ được áp dụng theo bảo hiểm tai nạn lao động). Bảo hiểm y tế sẽ chi trả 70%, bảo hiểm thực tập sinh chi trả 30% chi phí điều trị.

Mức phí đóng bảo hiểm do Hiệp hội bảo hiểm sức khỏe và Liên hiệp bảo hiểm sức khỏe quy định và được thay đổi theo từng năm.

Trường hợp không tham gia bảo hiểm sức khỏe nêu trên thì thực tập sinh phải tham gia bảo hiểm sức khỏe toàn quốc.

3. Thuế và lương hưu phúc lợi

3.1. Thuế: Thực tập sinh thực tập kỹ thuật và làm việc tại Nhật Bản phải đóng thuế, bao gồm: thế thu nhập và thuế cư trú.

- Thuế thu nhập: Những người có thu nhập tại Nhật Bản đều phải đóng thuế thu nhập. Thuế thu nhập của thực tập sinh được khấu trừ từ lương. Trường hợp tổng số tiền thuế thu nhập bị khấu trừ hàng tháng từ lương nhiều hơn số tiền thuế thu nhập phải đóng trong năm đó thì sẽ được hoàn trả vào cuối năm; nếu ít hơn sẽ phải đóng thêm.

- Thuế cư trú: Thuế cư trú được tính căn cứ vào tổng thu nhập trong năm của thực tập sinh. Đối với thực tập sinh sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản vào những tháng cuối năm thì thuế cư trú của những tháng thuộc năm đó sẽ phải trả vào tháng 6 năm sau. Số tiền thuế cư trú của năm phải đóng được quyết định vào tháng 6 hàng năm và sẽ trả làm 12 lần, khấu trừ dần vào tiền lương tháng; bắt đầu đóng từ tháng 6 năm trước đến tháng 5 năm sau. Trước khi hết thời hạn hợp đồng ký với công ty tiếp nhận Nhật Bản, thực tập sinh phải nộp hết số tiền thuế cư trú còn lại trước khi về nước.

3.2. Lương hưu phúc lợi: Lương hưu là một phần tiền để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động của người lao động. Tất cả những người đang làm việc và hưởng lương tại các công ty của Nhật Bản (bao gồm cả người Nhật và người nước ngoài) đều phải tham gia chế độ lương hưu phúc lợi. Đối với những người không thể tham gia loại chế độ này (người không làm công ăn lương) thì có thể tham gia chế độ lương hưu quốc dân.

Lương hưu được chi trả bao gồm: lương hưu tuổi già, lương hưu tàn tật và lương hưu cho gia quyến. Mức phí đóng chế độ lương hưu sẽ do công ty tiếp nhận Nhật Bản trả 50%, thực tập sinh trả 50% và được khấu trừ từ tiền lương tháng. Mức phí đóng lương hưu phúc lợi sẽ được Chính phủ Nhật Bản quy định vào tháng 9 hàng năm.

Thực tập sinh sau khi rời khỏi Nhật Bản, sẽ được nhận lại tiền lương hưu đã đóng. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp đã tham gia đóng chế độ này với thời gian tối thiểu tháng trở lên mới được yêu cầu trả lại tiền lương hưu này.

Thực tập sinh sau khi hoàn thành chương trình về nước sẽ được Văn phòng IM Japan hướng dẫn khai hồ sơ để nhận lại số tiền lương hưu đã đóng trong thời gian làm việc tại Nhật Bản. Thủ tục yêu cầu trả lại tiền lương hưu cần phải có mã số bảo hiểm (được ghi trong sổ lương hưu), số tài khoản ở Việt Nam và một số giấy tờ khác như bản sao hộ chiếu chứng minh việc về nước. Sau 6 tháng kể từ khi gửi hồ sơ sang Nhật Bản, thực tập sinh sẽ được nhận lại số tiền lương hưu.

4. Thôi việc, chấm dứt hợp đồng

Trong trường hợp công ty có ý định cho thực tập sinh thôi việc thì công ty phải thông báo cho thực tập sinh trước ít nhất 30 ngày và phải chi trả số tiền ít nhất 30 ngày của tiền lương trung bình (được gọi là trợ cấp sa thải). Tuy nhiên, trong trường hợp công ty không thể tiếp tục hoạt động vì lý do bất khả kháng như: động đất, hỏa hoạn… thì công ty không phải chi trả số tiền trên. Thực tập sinh bị thương trong khi làm việc hoặc bị bệnh nghề nghiệp thì trong thời gian thực tập sinh điều trị công ty không được cho thôi việc.

Thực tập sinh làm việc theo hợp đồng đã ký với công ty tiếp nhận. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, thực tập sinh phải về nước theo quy định. Trong thời gian thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, nếu thực tập sinh vi phạm pháp luật Nhật Bản, vi phạm quy định của công ty thì công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu thực tập sinh về nước.