Xuất khẩu lao động, Việc làm ngoài nước tại Malaysia

Thông tin Thị trường Malaysia
Liên Bang Malaysia nằm trong khu vực Đông Nam Á, có diện tích gần 330.307km2 bao gồm bán đảo phía Tây MaLaysia ở đầu mút phần đất liền của khu vực Đông Nam Á với 11 bang gồm: Perlis, Kedah, Terengganu, Kelantan, Penang, Perak, Malacca, Pahang, Selangor, Johor và Negeri Sembilan, ba hạt liên bang và các bang Sarawak, Sabah nằm trên bờ tây bắc của đảo Borneo (Phần lãnh thổ Phía Đông của Malaysia).
 
I. Thông tin chung
1. Vị trí địa lý
Liên Bang Malaysia nằm trong khu vực Đông Nam Á, có diện tích gần 330.307km2 bao gồm bán đảo phía Tây MaLaysia ở đầu mút phần đất liền của khu vực Đông Nam Á với 11 bang gồm: Perlis, Kedah, Terengganu, Kelantan, Penang, Perak, Malacca, Pahang, Selangor, Johor và Negeri Sembilan, ba hạt liên bang và các bang Sarawak, Sabah nằm trên bờ tây bắc của đảo Borneo (Phần lãnh thổ Phía Đông  của Malaysia).
                                                           
Thủ đô của Malaysia là Kuala Lumpur. Được thành lập vào năm 1857 tại nơi hợp lưu của hai dòng sông Klang và Gombak, Kuala Lumpur là một trong những thành phố năng động nhất Châu Á.
Thủ đô Kuala Lumpur là một trong ba vùng lãnh thổ của Malaysia cùng với Lubuan và Putrajaya, nằm ở bán đảo phía Tây. Tại Kuala Lumpur có các địa danh nổi tiếng như tháp truyền hình Kuala Lumpur, tháp đôi Petronas cao 452 m (cao nhất thế giới hiện nay), Quảng Trường Độc Lập (Merdeka), Đài Tưởng Niệm Quốc Gia, đền thờ Hồi giáo, tòa nhà Sultan Abdul Samad nổi tiếng, Động Batu mang vẻ huyền bí của những người Ấn Độ giáo.
                                                            
Johor Bahru là thành phố thủ phủ của bang Johor ở phía nam Malaysia. Đây là thành phố lớn thứ 2 Malaysia sau thủ đô Kuala Lumpur. . Johor Bahru là một trung tâm thương mại, công nghiệp, và du lịch của phía nam Malaysia và là một phần hợp thành một trong những khu vực đô thị đông dân nhất Đông Nam Á.
                                                            
Penang nằm về phía Tây Bắc liên bang Malaysia, bao gồm hòn đảo cùng tên Penang và phần đất liền có tên gọi Seberang Perai với diện tích hơn 1.000 km2.
Sự đa dạng về sắc tộc, sự pha trộn thú vị về văn hóa tạo nên bản hòa tấu đa âm sắc đặc trưng của Penang, thể hiện qua kiến trúc, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực khá rõ nét. Cây cầu Penang dài 13,5 km, một trong những cây cầu dài nhất thế giới nối liền hòn đảo này với phần còn lại của liên bang Malaysia, nối kết cuộc sống của những đô thị hiện đại đầy tiếng ồn và khói bụi với những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Penang bên bờ Thái Bình Dương.
2. Khí hậu:
Malaysia có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và độ ẩm cao. Nhiệt độ trung bình trong ngày từ 21o C đến 32oC.Lượng mưa trung bình trong năm khoảng từ 2.032mm đến 2.540mm, ở vùng núi cao nhiệt độ cao nhất thường vào khoảng 26oC, nhiệt độ thấp nhất là 2oC. Do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam bắt nguồn từ Ấn Độ Dương và gió mùa Đông Bắc từ biển Đông, khí hậu Malaysia được chia thành hai mùa rõ rệt: mùa gió Tây Nam từ giữa tháng 5 cho đến tháng 9, gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
3. Dân số:
Dân số Malaysia năm 2005 là 25 triệu người, năm 2011 là 28,9 triệu người. Người Mã Lai và người bản địa chiếm đa số (55%), thứ đến là người Hoa (30%), người Ấn Độ (10%), người Âu và một số dân tộc thiểu số bản địa (5%). Hiện số người cao tuổi của nước này vào khoảng 2,1 triệu người, chiếm khoảng 7,3% của 28 triệu dân. Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, Malaysia sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2030, lúc đó, số người trong độ tuổi từ 60 trở lên chiếm khoảng 15% dân số. Trước xu hướng tăng trưởng hiện nay, dân số Malaysia sẽ đạt khoảng 35 triệu người vào năm 2020, với 3,4 triệu người già.
4. Ngôn ngữ:
Theo luật về ngôn ngữ quốc gia được Quốc hội thông qua năm 1967, ngôn ngữ chính thức của Malaysia là Bahasa Malaysia (tiếng Mã Lai). Tuy nhiên Malaysia là một quốc gia đa dân tộc, nên người Malaysia nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Bởi vậy tiếng Anh, tiếng Trung Quốc được dùng phổ thông, tiếng địa phương và tiếng Ấn Độ cũng được sử dụng rộng rãi.
5. Tôn giáo:
Malaysia là một quốc gia đa dân tộc, có nhiều tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, sống hòa thuận nhờ chính sách tôn giáo thống nhất, một số tôn giáo phổ biến như: Đạo Hồi, Đạo Phật, Đạo Hindu, Đạo thiên chúa giáo, Đạo Lão, Đạo Tin Lành.
                          
Tuy nhiên theo hiến pháp liên bang, đạo Hồi là quốc giáo. Toàn bộ người Malaysia và một bộ phận người Ấn Độ, Trung Quốc và thổ dân Orang Asli theo đạo Hồi. Phần lớn người Trung Quốc ở Malaysia theo đạo Phật và đạo Lão.
6. Chế độ chính trị:
Malaysia thực hiện chế độ quân chủ lập hiến liên bang. Đứng đầu nhà nước Malaysia hiện nay là quốc vương. Đứng đầu chính phủ là thủ tướng.
7. Kinh tế:
Kinh tế Malaysia phát triển mạnh dựa vào các lĩnh vực: Cao su, Dầu cọ, Điện tử, Công nghiệp chế tạo và Dầu mỏ.
Malaysia là đất nước khá phát triển nằm trong khu vực Đông Nam Á. Malaysia là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu dầu cọ và cao su, ca cao và hạt tiêu, đồng thời là nước xuất khẩu về gỗ khối và các sản phẩm từ gỗ. Chính phủ Malaysia có các chính sách khuyến khích giáo dục với nhiều ưu đãi. Hàng năm chính phủ dành ra một khoản ngân sách khá lớn đầu tư cho giáo dục. Vì vậy các trường đại học, cao đẳng Malaysia có các cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho việc học tập cũng như sinh hoạt của sinh viên. Ngành công nghệ thông tin của Malaysia rất phát triển. Các trường đại học cao đẳng đều có các phòng vi tính, các trung tâm dịch vụ Internet miễn phí cho sinh viên.
8. Phương tiện đi lại :
Malaysia có hệ thống giao thông hiện đại, được quản lý một cách khoa học, không thua các nước phát triển trên thế giới. Khi di chuyển tại Malaysia, có nhiều hình thức, phương tiện vận chuyển khác nhau như đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ. Tuy nhiên, đi lại bằng đường bộ vẫn phổ biến nhất tại Malaysia với mạng lưới giao thông đường bộ khá phát triển bao gồm các trục đường cao tốc liên bang từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam, hệ thống đường nhánh, đường nội bộ hiện đại. Hệ thống tuyến xe buýt, xe taxi trải rộng và giá rẻ, hệ thống đường sắt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao thuận tiện
                                                            
Giá vé Bus ở Malaysia rẻ ngang với Bus ở Việt nam, có tuyến đi 80km hết 3RM (19.800 VND), trong khi giá Taxi thì rẻ hơn nếu so với ở Việt Nam. Đi taxi 1km hết trung bình chưa đến 1RM, tức là khoảng 6.600 Việt Nam Đồng. Một phần là do giá xe rẻ, một phần là do giá nhiên liệu rẻ. Các phương tiện công cộng ở đây được chạy bằng Gas thay vì xăng dầu, mỗi lần nạp Gas hết khoảng 6-7RM (46.200 VND) đi được 150km, tức là 308VND/1km, rẻ hơn cả chạy xe máy ở Việt Nam.
                                                           
Phương tiện đi lại hầu hết là xe hơi, xe máy cũng có nhưng mà thưa thớt. Malaysia có một số hãng xe nội địa tự sản xuất, chất lượng tốt. Về đêm, thành phố Kuala Lumpur náo nhiệt chẳng kém gì các đô thị lớn khác.
                                                           
Lưu ý: Giao thông ở Malaysia theo chiều tay lái nghịch (bên trái), vì thế cần lưu ý khi đi bộ, băng qua đường, hoặc khi lên xuống xe taxi và xe bus.
9. Tiền tệ:
                                                          
-   Đơn vị tiền tệ của Malaysia là Ringit.
- Tỉ giá: 1USD = 3.02 RM, (1RM = 6.700VND)
- Các loại mệnh giá: tiền giấy có RM1, RM2, RM5, RM10, RM50 và RM100. Tiền xu gồm có 1 cent, 5 cent, 10 cent, 50 cent và RM1.
- Các ngân hàng làm việc từ 9h30 sáng đến 4h00 chiều, từ thứ 2 đến thứ 6 trừ những ngày lễ.
10. Ẩm thực:
Do nền văn hóa đa dạng, tập hợp bởi các dân tộc khác nhau, nên tại Malaysia, ẩm thực rất phong phú  với thành phần cơ bản là dừa, ớt, xả, lá chanh, gia vị và nghệ được nấu với  thịt, cá và rau. Ngoài ra còn có các loại món ăn của Trung Hoa, món ăn nấu theo kiểu Ấn cả miền Nam và miền Bắc Ấn... Món ăn của Malaysia thường có vị cay, béo và hơi ngọt, được chế biến từ nguyên liệu tươi, ướp cùng nhiều loại gia vị, thảo mộc để tạo hương vị. Tuy nhiên, vì đây là quốc gia Hồi giáo nên thịt heo ít được sử dụng mà thay vào đó là thịt bò, cừu và cá.
                                                           
Malaysia nằm trong vùng nhiệt đới, gần xích đạo do đó các loại trái cây rất phong phú và đa dạng, đặc sản nổi tiếng của Malaysia gồm: Sầu riêng, mãng cầu, măng cụt, xoài và các loại hoa quả nhiệt đới khác.
II. Thông tin về lao động di cư vào thị trường Malaysia
1. Quy mô lực lượng lao động và thị trường lao động của Malaysia
Theo thống kê của Bộ Nguồn Nhân lực Malaysia (Human Resources) thì Malaysia hiện có quy mô dân số khoảng 28 triệu người (49,2% là nữ); lực lượng lao động có khoảng 9,6-10 triệu người (thương mại và du lịch chiếm 28%, sản xuất chế tạo chiếm 27%, nông nghiệp 16%, dịch vụ 10%...). Tỷ lệ thất nghiệp trong những năm gần đây duy trì khoảng 3-4%.
Có khoảng 350.000 - 400.000 người Malaysia đã di cư và đang làm việc tại các nước phát triển hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và một số các nước Châu Âu… trong các ngành nghề đòi hỏi có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao, khả năng giao tiếp quốc tế tốt (tiếng Anh và tiếng Trung) hoặc dưới hình thức các chuyên gia, lý do chủ yếu của dòng di cư đi này là do thu nhập tại nước ngoài cao hơn so với trong nước (thu nhập tại các nước trên tối thiểu khoảng 3.000 USD) và có điều kiện làm việc, phát triển nghề tốt. Bên cạnh đó khoảng 200.000 lao động Malaysia làm việc tại Singapore.
Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế trong nước và sự đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ nên Malaysia thu hút được số lượng rất lớn lao động nhập cư từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, công việc chủ yếu của lao động nước ngoài tại Malaysia có được là do các công việc này không thu hút được lao động trong nước, đó là các công việc giản đơn trong các khu công nghiệp, nhà xưởng quy mô vừa và nhỏ, các ngành nghề không cần nhiều kỹ thuật hoặc độc hại và thu nhập không cao.
Hiện Malaysia có khoảng 3,1 triệu lao động nước ngoài đang làm việc (kể cả hơn 1 triệu lao động không có giấy tờ cư trú và làm việc hợp pháp) đến từ 14 quốc gia, chủ yếu là những nước Đông Nam Á và Nam Á như: Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ, Cambodia, Nepal, Myanmar, Lào, Việt Nam, Philippines, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan. Trong đó lao động chiếm tỷ lệ nhiều nhất là Indonesia khoảng 51%, kế đến là Bangladesh với 17%, Nepal với 9,7%.... Việt Nam đứng thứ bảy trong số các quốc gia đang có nhiều lao động tại Malaysia với khoảng hơn 2%.
Các ngành nghề chủ yếu là sản xuất chế tạo khoảng 38.2%, xây dựng khoảng 16%, trang trại và đồn điền (chủ yếu làm trồng cọ) khoảng 14.2% và các ngành nghề khác như nông nghiệp, dịch vụ, giúp việc gia đình…
Bên cạnh hình thức lao động nước ngoài di cư vào Malaysia để làm việc, cũng có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài đến Malaysia sinh sống, học tập hoặc đầu tư. Chính phủ Malaysia thực hiện chính sách “Second Home” khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản, cũng như việc chi phí sinh hoạt và học phí rẻ nên thu hút nhiều sinh viên và nhà đầu tư nước ngoài di cư vào Malaysia.
2. Một số quy định cơ bản về luật Nhập cư của Malaysia
2.1. Quy định về Luật Nhập cư của Malaysia
Luật Nhập cư 1959/1963 của Malaysia là văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định vấn đề nhập cư tại Malaysia; Luật này quy định về những yêu cầu và thủ tục, giấy phép nhập cư, xuất cư, chế tài xử lý vi phạm và những điều khoản quy định đặc biệt đối với khu vực Đông Malaysia (Sabah và Sarawak).
Cục Nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Malaysia là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi Luật Nhập cư. Đây là cơ quan quản lý việc nhập cư của công dân nước ngoài, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi nhập cư bất hợp pháp.
Người nước ngoài có thể xin visa tại một trong 86 văn phòng tùy viên nhập cư, cao ủy, Đại sứ quán hoặc văn phòng Lãnh sự quán tại Malaysia tại 70 quốc gia trên thế giới hoặc tại bộ phận nhập cư tại các cửa khẩu của Malaysia kèm theo một số giấy tờ sau:
-      Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hợp pháp (còn hiệu lực ít nhất 6 tháng) được chính phủ Malaysia công nhận;
-      Mẫu đơn xin cấp visa IM.47 (03 bản);
-      Vé máy bay, ô tô hoặc tàu;
-      03 ảnh mới nhất của người xin cấp visa khổ 3,5 cm x 5 cm;
-      Tờ khai chứng minh khả năng tài chính để thanh toán các chi phí trong thời gian lưu trú tại Malaysia.
2.2. Quy trình tiếp nhận và cấp giấy phép lao động tại Malaysia cho người nước ngoài
Bước 1: Căn cứ vào giấy phép tiếp nhận lao động (KDN), nhu cầu và kết quả tuyển chọn lao động nước ngoài, chủ sử dụng sẽ gửi hồ sơ cá nhân của người lao động (bios data) đến Cục Nhập cư, Bộ Nội vụ Malaysia để đăng ký và xin giấy calling visa.
Bios Data gồm: hộ chiếu (copy), 3 ảnh 3,5x5 (gốc) và kết quả khám sức khoẻ theo yêu cầu tại nước đi (gốc) của người lao động, trong đó chứng nhận rằng người đó có đủ sức khỏe để làm việc tại Malaysia.
Trong thời gian khoảng 01 tháng (tuỳ theo quy định cụ thể của từng bang tại Malaysia), Cục Nhập cư sẽ xem xét và cấp calling visa cho chủ sử dụng theo số lượng sau khi điều chỉnh. Những trường hợp không được cấp calling visa như: trong diện bị hạn chế hoặc cấm nhập cảnh vào Malaysia (Black List) vì vi phạm pháp luật Malaysia trước đó hoặc có những động cơ khác có thể gây phương hại tới tình hình an ninh, chính trị của Malaysia....; độ tuổi không nằm trong quy định cho phép đối với lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia là 18-45 tuổi; kết quả khám sức khoẻ không đạt như viêm gan B, mắc bệnh truyển nhiễm....; người lao động bị “active” tức là người lao động chưa đăng ký rời khỏi Malaysia mà vẫn coi như đang làm việc hoặc lưu trú tại Malaysia...
Bước 2: Nộp calling visa và hộ chiếu (gốc) của người lao động để xin giấy phép nhập cảnh Malaysia tại Sứ quán Malaysia ở nước đến.
Bước 3: Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày nhập cảnh, người lao động sẽ được chủ sử dụng đăng ký và làm giấy phép làm việc (work-permit) cấp bởi Cơ quan Di trú Bộ Nội vụ Malaysia.
Giấy phép làm việc có thời hạn 01 năm và được gia hạn hàng năm tuỳ theo hợp đồng của người lao động với chủ sử dụng nhưng không quá 05 năm, trong trường hợp người lao động và chủ sử dụng muốn gia hạn hợp đồng từ năm thứ 6 trở đi thì yêu cầu người lao động phải quay trở về quốc gia đi tối thiểu 03 tháng trước khi trở lại Malaysia làm việc theo hợp đồng gia hạn.
3. Một số quy định cơ bản về luật Tuyển dụng lao động của Malaysia
Người lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia được quản lý và bảo vệ bởi luật Tuyển dụng Malaysia, theo đó người lao động được pháp luật đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp về tiền lương và thu nhập; về các chế độ nghỉ lễ, tết, nghỉ phép năm, nghỉ ốm; chế độ bảo hiểm; thời gian làm việc; việc tham gia các tổ chức Công đoàn...
Theo quy định mới của Luật Tuyển dụng về tiền lương cơ bản, bắt đầu từ ngày 01.01.2013, người lao động (không phân biệt trong nước và ngoài nước) sẽ được hưởng mức lương cơ bản tối thiểu là 900 RM/tháng (khoảng gần 300USD), trong trường hợp đối với những doanh nghiệp quy mô từ 06 lao động trở lên, do việc tăng lương cơ bản làm tác động lớn đến chi phí đầu vào thì doanh nghiệp có quyền thương lượng với chủ sử dụng để giảm tiền lương cơ bản 30% (tương ứng 630RM/tháng) được hiểu như thời gian thử việc nhưng tổng thời gian thử việc này không quá 06 tháng, đối với những doanh nghiệp đang áp dụng mức lương cơ bản cao hơn 630RM/tháng (nhưng thấp hơn 900RM/tháng) thì doanh nghiệp phải trả mức lương thử việc nêu trên là mức cao hơn đang áp dụng.
Thời gian làm việc cơ bản là 08h/ngày hay 48h/tuần, ngoài thời gian này nếu chủ sử dụng có yêu cầu người lao động làm thêm và được người lao động đồng ý thì tính là thời gian làm thêm, hệ số tiền lương làm thêm gấp 1,5 lần/ngày thường, 2 lần/ngày nghỉ và 3 lần/ngày lễ, tết so với tiền lương cơ bản.
4. Công việc và thu nhập của lao động Việt Nam tại malaysia
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc từ Malaysia từ năm 2002, đến nay đã có hàng trăm ngàn lượt lao động sang đây làm việc, có thời điểm số lao động Việt Nam có mặt tại Malaysia lên tới 130.000 người. Hiện lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia khoảng 65.000 người (khoảng hơn 12.000 người trong số này là cư trú bất hợp pháp), công việc chủ yếu là sản xuất chế tạo trong các nhà máy điện tử, nội thất, may mặc, đóng gói sản phẩm hay trong ngành dịch vụ (phục vụ nhà hàng- quán ăn, lau chùi dọn vệ sinh, nấu ăn, bán hàng…), ngành nông nghiệp và số ít làm giúp việc nhà trong các gia đình người Mã gốc Hoa. Việt Nam đang xúc tiến đưa trở lại lao động xây dựng và đưa mới lao động trồng cọ cho các trang trại cọ thuộc 02 tập đoàn SIM DARBY và FELDA của Malaysia.
Tiền lương cơ bản (tối thiểu) áp dụng đối với người lao động Việt Nam là 21RM/ngày hay 546RM/tháng, làm việc 08h/ngày hay 48h/tuần.
Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn có thu nhập từ làm thêm giờ (tính theo hệ số nêu trên) và các khoản trợ cấp khác như: chuyên cần, ca, bộ phận,... hoặc tiền trang phục, tiền thưởng....
Tổng thu nhập hàng tháng của người lao động Việt Nam hiện đạt khoảng 900-1.200RM/tháng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm năm 2013, chính phủ Malaysia sẽ áp dụng quy định tiền lương cơ bản mới là 900RM/tháng, theo đó mức lương kỳ vọng của lao động Việt Nam (vốn cần cù, chịu khó sàng làm thêm nhiều) sẽ đạt khoảng 1.400-1.700RM/tháng (tương đương khoảng 460-560USD/tháng).
5. Các ngày nghỉ tuần, nghỉ phép thường niên, nghỉ ốm, nghỉ lễ
-      Ngày nghỉ: Người lao động được quyền nghỉ 01 ngày trong 1 tuần, ngày đó do chủ sử dụng quy định. Người chủ sử dụng sẽ bố trí lịch nghỉ và thông báo cho người lao động biết vào ngày nghỉ của họ. Tuy nhiên nếu người chủ sử dụng lao động chọn 01 ngày nghỉ nhất định hàng tuần cho tất cả người lao động (thường là ngày chủ nhật) thì chỉ cần dán thông báo tại nơi làm việc để người lao động biết.
-      Nghỉ phép: Tùy theo thời gian làm việc của người lao động theo hợp đồng thì người lao động được nghỉ phép tối thiểu như sau:
+ Nếu làm việc dưới 02 năm: Sẽ được nghỉ phép 08 ngày/năm làm việc
+ Nếu làm việc trên 02 năm (dưới 5 năm): Sẽ được nghỉ phép 12 ngày/năm
+ Nếu làm việc trên 05 năm: sẽ được nghỉ phép 16 ngày/năm
Nếu người lao động tự ý nghỉ việc quá 10% số ngày làm việc trong 12 tháng liên tục mà không được sự đồng ý của chủ sử dụng lao động hoặc không có lý do chính đáng thì không được nghỉ phép thường niên trong giai đoạn 12 tháng đó