Xuất khẩu lao động 2014: Nhiều thị trường “rộng cửa”
Bước sang năm 2014, nhiều thị trường lao động đang “rộng cửa” với lao động Việt Nam, trong đó, Đài Loan sẽ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam.
Đài Loan tiếp tục là thị trường chủ chốt Đài Loan và thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong năm 2013, chiếm tới gần 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sang năm 2014, Đài Loan được dự báo sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm của ngành xuất khẩu lao động. Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Indonesia) chủ lực cung ứng lao động sang thị trường này làm việc.
Người lao động khi đi làm việc tại Đài Loan năm 2014 nhiều cơ hội, giảm chi phí.
Lao động đi làm việc ở Đài Loan trong năm 2014 sẽ thuận lợi hơn khi những chính sách mới của Việt Nam và Đài Loan đều tạo cơ hội thuận lợi cho việc tăng chất lượng, số lượng lao động sang Đài Loan làm việc. Mới đây Đài Loan đã ban hành một số chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài, trong đó, phần lớn các quy định này khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan tuyển dụng lao động nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài tới làm việc ở Đài Loan. Về phía Việt Nam, để giảm áp lực về chi phí xuất khẩu lao động đi Đài Loan hiện nay còn cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tăng cường kiểm soát mức thu phí môi giới của các doanh trong nước và giảm mức phí trần quy định từ 4.500 USD năm 2013 xuống còn 4.000 USD vào năm 2014.
Đặc biệt, trong bối cảnh Đài Loan tiếp tục ngừng tiếp nhận lao động Philippines vào làm việc do căng thẳng về chính trị giữa hai bên, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng số lượng cung ứng lao động trong ngành sản xuất cho thị trường Đài Loan.
Thị trường xuất khẩu lao động mở rộng.
Đánh giá về phát triển thị trường xuất khẩu lao động năm 2014, ông Đào Công Hải cho rằng, từ tình hình thực tế cho thấy trong năm 2014 có khá nhiều “cánh cửa” đang mở rộng đối với lao động Việt Nam. Thị trường lao động khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, mặc dù năm 2013 số lượng lao động Việt Nam tại khu vực này chưa tăng mạnh nhưng đã có những dấu hiệu khả quan hơn đối với lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar… vào đầu năm 2014. “Đối với các nước ở khu vực châu Phi và Trung Đông, Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận cấp Bộ trong một số lĩnh vực với Angola và Arab Saudi để tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho lao động Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xúc tiến ký thỏa thuận hợp tác lao động như với Đức, Thái Lan… Đây sẽ là cơ hội để phát triển việc làm cho lao động Việt Nam,” ông Đào Công Hải nói. Mặt khác, các nước phát triển bắt đầu quan tâm đến điều dưỡng viên Việt Nam. Nhật Bản và Đức đang tiếp tục triển khai tuyển dụng điều dưỡng viên sang hai nước này làm việc. Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động Năm 2013 là năm Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, chính vì vậy, một loạt những quy định mới trong xuất khẩu lao động cũng đã được ban hành. Theo đó, quy định về xử phạt hành chính, mẫu hợp đồng lao động, mức ký quỹ… đều đã được quy định cụ thể trong luật. Hành lang pháp lý mới này sẽ là cơ sở nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động. "Việc ban hành những chuẩn mực cụ thể trong thực hiện ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài, với người lao động sẽ hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững và di cư lao động an toàn," ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam cho biết.
Hợp đồng lao động đảm bảo quyền lợi người lao động
Theo quy định mới, các doanh nghiệp tuyển dụng Việt Nam sẽ không còn có thể áp đặt các điều kiện trong hợp đồng mà phải tuân thủ những điều kiện tiêu chuẩn.
Hợp đồng mẫu yêu cầu phải đề cập tới một công việc cụ thể, tên tuổi và địa chỉ của công ty tiếp nhận, thiết lập rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên và thủ tục giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ lao động di cư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng.
Ông Max Tunon, điều phối viên dự án Tam giác bảo vệ lao động di cư trong khu vực tiểu vùng Sông Mêkông của Tổ chức Lao động quốc tế ILO nhận định: "Với các quy định mới, doanh nghiệp tuyển dụng không thể đưa vào các điều khoản chỉ có lợi cho mình và lờ đi những điều khoản có lợi cho người lao động di cư". Mặt khác, nhằm hạn chế tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, hai văn bản mang tính chất chế tài mạnh đã được ban hành trong năm 2013. Trong đó, Nghị định 95 về vấn đề xử phạt các hành vi: Trốn ngay sau khi xuống sân bay, phá hợp đồng trong quá trình làm việc và hết hạn hợp đồng nhưng không chịu về nước đã tăng mức xử phạt từ 3-5 triệu đồng lên 80-100 triệu đồng. Thực hiện ký quỹ nhằm nâng cao trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện hợp đồng. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã có Thông tư 21 quy định ký quỹ tại các Ngân hàng thương mại trước khi đi làm việc ở nước ngoài với tất cả các thị trường, ngành nghề. Theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Chính phủ cũng đã phê duyệt thực hiện thí điểm ký quỹ 100 triệu đồng đối với lao động đi Hàn Quốc làm việc.
Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước và đang được tiến hành khá thuận lợi.
Hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định.
Quyền lợi của người lao động cũng sẽ được đảm bảo khi những điều kiện làm việc cơ bản được nêu đầy đủ trong hợp đồng lao động. Như vậy, số lượng xuất khẩu lao động không những tiếp tục tăng mà chất lượng sẽ còn được cải thiện.
Theo laodong.com.vn